All for Joomla All for Webmasters

Dark Tourism – Hành trình của cảm xúc vụn vỡ

Tôi có sở thích đi du lịch không quá giống với số đông, thích đi xa và đi sâu. Ví dụ như sẵn sàng bỏ qua thủ đô để đi tới vùng hẻo lánh xa xôi, chấp nhận di chuyển 8 tiếng đi về trong ngày chỉ để có thời gian khoảng 3-4 tiếng tại 1 ngôi làng đẹp nhất châu Âu ưu tiên chọn nơi nào có ít người tới để được khám phá nhiều hơn về câu chuyện văn hoá và lịch sử của nó. 

Dark Tourism là một trong số những điều làm tôi hứng thú. Dark Tourism dành cho những ai mong muốn tìm hiểu về một mặt rất khác – mặt tàn nhẫn và đau thương của một thành phố để được kết nối với những giá trị đặc trưng nhất.

Với tôi, đó là hành trình về những cột mốc lịch sử trong sự chuyển mình của nhân loại, để thấy lặng đi trong giây phút và cảm kích hơn với những gì tôi đang có. Những nơi đặc biệt tôi đã từng đặt chân qua:

  • Nhà tù – cánh đồng chết Tuol Sleng – The Killing Fields tại Phnom Penh, Cambodia.
  • Trại tập trung Auschwitz – Birkenau tại Ba Lan.
  • Đài tưởng niệm 11/9, “ Ground Zero” tại New York, Mỹ.
  • Thành phố Hiroshima, Nhật Bản.

1. Nhà tù – cánh đồng chết Tuol Sleng

Từ năm 2007, một đứa học lớp 8 đã được nhìn thấy không chỉ 1 mà là một tháp đầu lâu ngay từ cửa vào tại bảo tàng tội ác diệt chủng Khmer Đỏ dưới chính quyền Pol Pot. 

Thời gian đã quá lâu để tôi có thể nhớ và xâu chuỗi lại câu chuyện mạch lạc như những chuyến đi sau này, nhưng có những cảm giác, những hình ảnh lại khắc sâu vào trí nhớ chẳng thể quên. (Những bức ảnh phần này nguồn sẽ lấy từ internet vì ngày xưa chưa biết ảnh lưu ở đâu) 

Nhà tù Toul Sleng

Hồi đó tôi chưa có quá nhiều kiến thức đủ để hiểu về câu chuyện lịch sử đã xảy ra chuyện gì, nhưng chính vì cái không biết đó mà nghe tới đâu tôi tưởng tượng ngay tới hình ảnh sống động trong khoảng không gian đang trải nghiệm.

Tuol Sleng trước đây là một ngôi trường trung học, nơi gieo mầm tri thức lại trở thành nơi kết liễu số phận một cách vô cớ của những trí thức hàng đầu Campuchia từ những năm 1975. Bầu không khí đặc quánh khi bước chân vào cánh cổng Tuol Sleng; những phòng giam chật hẹp; những dụng cụ tra tấn vẫn còn nguyên; và những vệt màu nâu mờ mờ mà người ta thuyết tôi chính là vệt máu của dân thường Campuchia bị Khmer Đỏ dùng nhục hình tra tấn.

Có rất nhiều hình ảnh minh hoạ vẫn được lưu giữ lại. Cái cảm giác nhìn chân dung của các tù nhân rồi nghe về những cực hình dã man như rút móng tay, móng chân; đổ axit vào mặt; khoét ngực để thả rết, dùng búa, rìu, roi đánh đập; treo ngược nhúng đầu vào thùng phân hay bắt một người mẹ bế đứa con trên tay và tra tấn… mỗi khi nhớ lại vẫn khiến tôi nổi gai ốc.

Những tháp đầu lâu phổ biến trong bảo tàng

Cánh đồng chết – The Killing Fields là một nơi đúng theo cả nghĩa đen. Những hố chôn tập thể, chôn sống, chôn người để lại đầu và dùng búa rìu sát phạt. Cánh đồng Chết của Choeung Ek chỉ là một trong số khoảng 400 Cánh đồng chết nằm rải rác trên khắp đất nước Campuchia ghi nhận tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ với số người bị giết chết ước tính từ 1,7 đến 2 triệu người.

Những câu chuyện này mới chỉ xảy ra cách đây hơn 50 năm, cái ngày tôi được trải nghiệm thì còn gần hơn nữa. Vẫn nhớ là hôm đi tham quan về tôi đã vào ngay máy tính để tìm hiểu mọi câu chuyện xung quanh nó. Nếu bạn không muốn chuyến đi của mình có một dấu lặng thì đừng tới đây, vì hôm nay, cảm giác mỗi khi nhớ lại với tôi vẫn chẳng thay đổi. 

2. Trại tập trung Auschwitz

Nhắc đến châu Âu người ta thường nghĩ đến những thành phố hoa lệ, những cung đường nắng vàng vọt, hay những hàng cây rợp bóng và đâu đó là tiếng lá rơi lao xao đến lãng mạn… Nhưng nếu có ai đó hỏi điều gì khiến tôi ấn tượng nhất về châu Âu, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là “Trại tập trung Auschwitz” ở Ba Lan- đất nước chịu nhiều tổn thất nhất trong Chiến tranh Thế giới II.

Châu Á có Tuol Sleng – nơi chứng kiến nạn diệt chủng Pol Pot thì châu Âu có Auschwitz-Birkenau- trại tập trung lớn nhất dưới thời Đức Quốc Xã. Dừng chân trước Auschwitz I và II, tôi đều thấy lạnh, cảm giác như đang bước vào thế giới của quá khứ đau thương để hiểu và để cảm nhiều hơn.

Hàng rào dây kẽm gai dày đặc bên ngoài nhà tù

Auschwitz I từng được coi như khu hành chính và khu giam giữ tù nhân. Phát xít Đức treo khẩu hiệu lớn ngay trên lối vào trại: “Lao động là tự do”, bên trong gồm những khu nhà đều chằn chặn được đánh số và bao quanh trại là hàng rào dây kẽm gai có điện.

Lao động là tự do – Lời nói dối kinh hoàng của Phát xít Đức

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác khi tù nhân vào đây phải lao động khổ cực, bị đánh đập, làm việc trong những điều kiện hết sức tồi tệ và bị vắt kiệt sức lực cho tới chết. Tôi sải từng bước thật chậm và cẩn thận qua một số nhà được mở cửa theo từng chủ đề để du khách vào thăm có cái nhìn trực quan hơn, nhưng có lẽ 2 căn để lại sự xúc động mạnh nhất là block nhà số 5 và 11.

Hàng ngàn vật dụng cá nhân được khắc tên

Nếu như ở Tuol Sleng là tháp đầu lâu thì ở nhà số 5 người ta sẽ thấy những ngọn tháp đồ dùng cá nhân. Là hàng ngàn chiếc vali khắc tên riêng mà bọn phát xít đưa cho tù nhân trước khi hành hình, nói dối là trả tự do cho họ nhưng thực chất là đưa vào phòng hơi ngạt; Là hàng ngàn chiếc mắt kính của những trí thức Do thái hoặc những tù nhân Ba Lan, Gypsy, Liên Xô…; Là cả núi lược chải tóc, nồi niêu xoong chảo, quần áo người lớn trẻ em và hàng triệu chiếc giày sờn rách…

Các tù nhân phải xếp hàng chỉ được mang trên mình bộ quần áo mỏng manh để chống chọi với giá rét

Xuống đến tầng hầm là phòng trưng bày những dụng cụ tra tấn và khu phòng phạt với những ô gạch rộng khoảng 1m vuông, cao 2m, ở dưới có một cái lỗ sắt vừa đủ 1 người chui qua còn lại kín toàn bộ. Các tù nhân sau một ngày làm việc vất vả nếu bị phạt sẽ được đưa vào đây, ngồi không được mà đứng cũng chẳng yên, lại thiếu không khí nên chẳng mấy chốc mà kiệt quệ.

Wall of death

Nhà số 11 lại được coi là Nhà tử thần với bức tường chết (wall of death). Khi tù nhân được đưa vào sẽ phải đi qua từng phòng, từ phòng tuyên án, phòng thay đồ, phòng ở tập thể, phòng tắm (tắm theo kiểu quân phát xít sẽ cầm vòi xịt mạnh xả vào các tù nhân một cách đau đớn) và cuối cùng đến bức tường chết- nơi họ bị hành hình. Họ bị xử bắn từng lượt người, hết lượt này chất đống sang bên cạnh rồi tới lượt tiếp theo, từng lượt nối tiếp, không biết bao nhiêu lượt mà đếm.

Một khu nhà làm việc trong trại

Sang Auschwitz II (Birkenau)- trại hủy diệt. Khi số tù nhân ngày càng tăng thì diện tích trại càng cần được mở rộng, dừng trước cổng vào mà tôi thấy nó như kéo dài đến chân trời ở mọi hướng- nhà máy của những cái chết.

Một toa tàu chở các tù nhân ngày trước, nay nằm trên đường ray với sự lạnh lẽo của thời gian và ký ức

Ở giữa 2 khu trong trại là một đường tàu chở mọi người từ thế giới tự do đến tử thần, họ sẽ được y tá khám và ngay lập tức phân loại: hoặc là những người có thể tận dụng sức lao động, hoặc là trẻ con người già người bệnh…- những người cần loại trừ ngay. Tôi không biết đường ray này xuất phát từ đâu, nhưng tôi nhìn thấy điểm kết thúc của nó, và đó cũng là điểm kết thúc của hàng triệu số phận bất hạnh trong phòng hơi ngạt tàn ác và đau đớn.

Tôi thấy người tôi lạnh đi một chút trong mỗi bước đi, mỗi cái chạm tay và mỗi dòng chữ đọc được. Sẽ hiếm có cơ hội thứ 2 để đến đây và tận mắt chứng kiến những tàn tích của một chế độ diệt chủng có hệ thống duy nhất trong lịch sử nhân loại một lần nữa. Với 2-3 triệu người bị thảm sát, 700 người vượt ngục và 400 người bị bắt lại, tôi đau xót cho những người đã ra đi và cảm phục những ai đã sống sót- những người dù mang vết thương lòng nhưng vẫn khẳng định ý chí và khát khao tự do của con người. 

Và tôi thấy thấm hơn câu chuyện “Chú bé mang pyjama sọc”, hình dung được từng trang giấy trong “Thợ xăm ở Auschwitz”, bộ phim kinh điển “Schindler’s List”, hay vài câu thơ có sự trầm mặc nhất định của Tố Hữu:

“Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan

Đường bạch dương sương trắng nắng tràn

Em đi nghe tiếng người xưa gọi

Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn…”

Dark Tourism không dành cho số đông. Tuol Sleng hay trại tập trung Auschwitz không phô trương mà cũng chẳng hoa lệ ấy là những chấm rất nhỏ trên bản đồ thế giới và câu chuyện của tôi cũng là một trải nghiệm rất nhỏ trong cuộc sống. Nhưng với những lịch sử nơi đây đã in dấu và những cảm xúc vụn vỡ cố gắng gói lại trong vài câu chữ gọn ghẽ, hy vọng một góc nào đó trong những chuyến đi của tôi có thể đưa đến chút cảm xúc khác biệt cho mọi người, những ai muốn nghe câu chuyện hơn là xem vài tấm ảnh check-in. 

Có thể không có hoà bình vĩnh cửu, nhưng một người nếu biết bao dung hơn với cuộc sống và biết cách hút mật ngọt xanh tươi từ cuộc đời thì tôi tin rằng, ít nhiều họ cũng sẽ tìm được sự an yên của chính mình…/

—-

Phần tiếp theo của Dark Tourism với Ground Zero tại thành phố hoa lệ và Bảo tàng cảm xúc nhất tại Hiroshima xin để dành một bài viết khác khi những câu chuyện trên đã tạm dài.

Facebook Comments

You Might Also Like

No Comments

Leave a Reply