All for Joomla All for Webmasters

Viết cho hành trình làm mẹ | P2: Tuần khủng hoảng tâm lý

Hầu hết các sách đều lấy trung tâm là em bé: phương pháp dạy em ăn ngủ ị chơi đúng giờ, thấu hiểu em ra sao, nhận biết các dấu hiệu của em thế nào, tuần nào ngày nào là wonder week của em etc. Rất ít sách nói về mẹ, có chăng cũng chỉ đề cập qua tới việc mẹ sẽ dễ bị trầm cảm hay thay đổi tâm lý. Nhưng đúng là đọc bao nhiêu và chuẩn bị bao nhiêu mình cũng không tưởng tượng được trải nghiệm tâm lý có thể tệ đến thế. Từ việc trở nên nhạy cảm và dễ xúc động hơn, đến những câu nói vu vơ của mọi người và sự ám ảnh sữa mẹ đều khiến mình khó chịu.

Disclaimer: 

  • Phần này mình sẽ viết về những biến đổi tâm lý sau sinh của mình. Tâm lý là yếu tố rất cá nhân vì nó phụ thuộc vào tính cách và hoàn cảnh riêng của mỗi người, vậy nên mỗi người sẽ có trải nghiệm rất khác nhau.
  • Wonder week này là những diễn biến trong 2 tuần đầu tiên từ khi về nhà. Hiện tại mình đã đỡ hơn nên mới viết được chứ không phải vừa khủng hoảng vừa viết tâm sự nhé!

1. Khủng hoảng tâm lý #1: Nhạy cảm và Dễ xúc động

Như phần trước có nhắc tới, cái giây phút nghe thấy tiếng khóc của em bé là mình như bị biến đổi, cũng bật khóc ầm ĩ. Có nhiều người bảo mình “Khi nghe tiếng con khóc thấy hạnh phúc lắm em ah!”, nhưng mình nói thật, lúc đấy mình bật khóc trong 1 sự hỗn loạn, không biết là vui hay buồn, nhẹ nhõm (vì cơn đau hết rồi) hay sợ hãi nữa. 

Những ngày tiếp theo và tới bây giờ mình trở thành 1 đứa rất nhạy cảm và dễ xúc động. Ở trong viện ngoài những lúc tập quen với em bé ra, mình nhớ có 2 buổi tối ngồi nói chuyện với chồng, câu chuyện chẳng có gì nhưng mình khóc tu tu. Phần vì thấy mệt quá, phần nghĩ là mấy hôm nữa về nhà chẳng có ai giúp rồi chồng còn phải làm việc thì mình làm thế nào, có handle em bé được không, có thời gian cho mình không hay sẽ đến lúc muốn ngất ra đấy mà mặc kệ hết. Xong lại thấy tủi thân. 

Đúng thế, cái cảm giác vừa đau vừa mệt, vừa mất phương hướng vừa tủi thân sẽ có lúc nó xâm chiếm bất ngờ, thậm chí làm mình tự hỏi “Ơ, sao lại đẻ rồi tự mình vất vả thế?!”, rồi khóc nấc lên một mình trong nhà tắm. Nếu người ngoài nhìn thấy chắc sẽ là cái nhìn thương hại, hoặc sẽ nghĩ “Có gì đâu mà làm quá!”, nhưng xin quay lại phần disclaimer ban đầu về những vấn đề rất cá nhân này.

Mình vẫn nhớ hôm đầu tiên về nhà là buổi chiều. Về tới nhà là tới giờ Miffy quấy đòi ăn, cho em ăn xong 2 bố mẹ vội vàng tranh thủ dọn dẹp đồ đạc sau 1 tuần vắng nhà. Mở tủ lạnh tìm đồ nấu cơm tối, đang nấu dở thì em lại khóc vì đến giờ ăn tiếp theo, mẹ lại bỏ cả xoong cả chảo vào hâm sữa. Em ăn xong ngủ thì mình ra lạch cạch nấu nốt để cả nhà ăn. Quay đi quay lại lại đến giờ em ăn tiếp. Em ăn xong thì đến giờ hút sữa. Cứ như thế luôn tay rồi tới lúc được đi tắm chỉ biết khóc để giải tỏa.

Mình biết có những single mom phải tự nuôi con, hay gia đình vì lý do nào đó mà không trọn vẹn nên khi chăm em bé cũng vất vả. Nhìn bên ngoài mình là đứa chẳng thiếu gì, nhưng chính sự bất lực trong cái chẳng-thiếu-gì đó lại rất cô đơn, vì chẳng có lý do gì để đổ tại, cuối cùng lại tự trách mình.

2. Khủng hoảng tâm lý #2: “Vất vả nhưng vui!”!?

Chắc 9/10 mẹ đều được nghe câu an ủi trên từ nhiều ai đó. Mình nói thật là mình rất dị ứng với câu nói này, khi được nghe mình sẽ có 2 phản ứng: 1 là im lặng rời đi hoặc chuyển qua chuyện khác; 2 là nói thẳng “Chỉ thấy mệt thôi!”.

Đúng thế, một đứa “luôn vui” như mình trong thời điểm này không thấy vui. Cái sự “vui” lúc mới sinh có lẽ chỉ xảy ra trong 2 thời điểm:

  • Khi mọi người CHƠI với em bé lúc em bé NGOAN.
  • Khi sau này bản thân nhìn lại sẽ thấy tự vui vì không hiểu đã có sức mạnh siêu nhiên nào giúp mình vượt qua được khoảng thời gian đó. Giống như mỗi lần tự hỏi sao ngày xưa có thể đỗ đại học hay viết được cuốn luận văn 80 trang về giáo dục ở Philippines bằng tiếng Anh vậy. Cái lúc ngồi học ong cả người nào ai có thấy hào hứng…

Ngoài ra thì hết rồi. Vất vả là vất vả. Mệt là mệt. Buồn ngủ là buồn ngủ. Người như zombie cả ngày thì không có gì vui hết. Mỗi lần nghe em bé khóc có khi còn muốn khóc theo.  

Vậy nên thay vì nói “Vất vả nhưng vui nhỉ!?” thì có thể an ủi bằng cách thực tế hơn “Vất vả nhỉ, ngủ 1 tý đi để trông em bé cho.” Giấc ngủ ngắn ngủi đấy đã là cả 1 niềm vui rồi.

3. Khủng hoảng tâm lý #3: Đây là đâu và tôi là ai?

Mình bắt đầu không có khái niệm ngày tháng, không có hứng thú với bất kỳ điều gì xung quanh, không muốn nói chuyện với ai, và thậm chí đôi khi không có cả khái niệm về mình nữa. 

Ngày cuối tuần với ngày thường chẳng khác gì nhau vì một routine không thay đổi, việc duy nhất nhìn lịch là ghi ngày lên túi trữ sữa cho em bé, mà có hôm còn ghi sai. 

Rất nhiều lần trong ngày nghĩ về mình trước đây, hay chỉ cách có 1-2 tuần trước thôi cuộc sống đã thật khác. Được ngủ muộn 1 chút, được làm việc, được có thời gian nấu món mình thích, được ngồi xem Youtube Netflix thoải mái, xa hơn nữa thì được uống cafe, tối được đi bar với bạn, được đi chơi, đi du lịch, con người phơi phới đầy năng lượng. 

Vậy mà đùng 1 cái người như đi mượn, loanh quanh góc nhà, muốn ăn ngon thì phải nấu mà không đủ sức nên có gì ăn nấy, muốn ngồi làm việc hay xem gì mở máy được 10p mắt đã díu cả lại vì thiếu ngủ, nhiều khi nhìn vào gương còn chẳng nhận ra mình. Mỗi lần nghĩ đến chuyện cái “ngày xưa” kia sẽ chẳng bao giờ quay lại thì thấy hụt hẫng vô cùng.

Một chị bạn có hôm inbox hỏi thăm tình hình, mình scroll lên trên thì lần trò chuyện cuối cùng trên facebook là đầu năm ngoái 2 đứa hẹn nhau đi ngắm Bắc cực quang ở Norway vào tháng 4/2020. Vậy mà qua 1 năm covid, mọi sự thay đổi 180 độ vì giờ cả 2 đều có thêm cái đuôi mới.

Cảm giác *mình* biến mất sau 1 đêm, thay vào đó là 1 người với lịch sinh hoạt và những mối lo toan hoàn toàn khác, tất cả xoay quanh 1 em bé bé tí mà gào thì to như cái còi rất đáng sợ.

4. Khủng hoảng tâm lý #4: Ám ảnh “sữa mẹ”

  • Sinh thường hay sinh mổ?
  • Có sữa cho em bé không?

Đây là 2 câu hỏi mình nghĩ không mẹ nào không phải nghe. Cái việc sinh nở nó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, nhưng việc có sữa hay không lại là cả một quá trình. 

Mình biết có nhiều bạn ít sữa phải cho em bé uống sữa công thức. Bản thân việc đó người mẹ đã chẳng vui sướng gì, lại thêm lời ra tiếng vào còn mệt mỏi hơn trăm lần. Mình ban đầu cũng không biết liệu có sữa cho em bé hay không, nhưng đọc chán chê thì đại loại cần phải cho em tập bú và biết cách kích sữa về, thế là cũng lọ mọ làm theo. Cái việc kích sữa bằng máy hút theo cữ ~3-4 tiếng/lần (tương đương 7-8 lần/ngày) như 1 chú bò sữa thực sự khiến người ta mất kiên nhẫn.

Đến ngày thứ 8 nhận ra mình trộm vía có sữa, mình tập giảm ngay xuống ngày hút 4 cữ để đỡ stress hơn thì vẫn thừa để trữ đông. Nhưng em bé không chịu dùng hàng real chỉ thích hàng fake 1, tức là chỉ dùng bình ko bú mẹ nên mình cũng không thoát khỏi những thắc mắc “Tại sao lại thế? Phải thế này thế kia chứ?!” của người lớn. Tới nỗi mình sinh ra tâm thế chống đối, chẳng buồn tập cho nó nữa, có sữa mẹ (và mẹ chịu hút sữa) để uống là tốt lắm rồi.

Mình không thuộc dạng thần thánh hoá sữa mẹ, không phải kiểu desperate nếu không nuôi được con bằng sữa mẹ vì cả đời nó còn dài, còn nhiều thử thách, dăm ba tháng sữa mẹ nếu không đủ chỉ là thử thách đến sớm hơn chút thôi. 

Có sữa rồi thì một loạt các ám ảnh khác đi kèm cũng xuất hiện theo: làm sao để không bị tắc tia sữa? làm sao để tan cục sữa cứng mới xuất hiện (nếu ko tan sẽ bị tắc tia sữa rồi dẫn đến áp xe các kiểu)? làm sao để không bị giảm sữa? ăn gì để sữa đủ chất và không hại tới em bé? Etc.

Ngoài ra là cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng ẩm ướt vì đôi lúc sữa chảy không kiểm soát, cái mùi sữa ám cả vào người. Nếu mặc áo ngực dán miếng lót ở nhà cả ngày cũng khó chịu (kể cả là bralette), còn không mặc thì áo quần loang lổ vết sữa. Hoặc là khó chịu và sạch tương đối; hoặc là khó chịu theo cách khác và người chỉ sạch 5-10p sau khi tắm xong thôi.

Cho con uống sữa công thức, sữa mẹ trong bình hay sữa mẹ trực tiếp, mình nghĩ chỉ cần làm tốt nhất trong khả năng của người mẹ là đủ thấy hài lòng rồi.

sữa mẹ
Bò sữa có tủ sữa cho em

5. Nếu được ước mình sẽ ước gì?

Hôm qua xem lịch mình giật mình là em bé được 3 tuần rồi mà cảm giác như 3 năm vậy. Mẹ mình còn phải bảo “Ngày xưa sinh con mẹ không vất vả như con giờ đâu vì còn có người giúp!”.

Mình ước có ai đó thực sự có thể hỗ trợ mình trong những ngày này để mình có thời gian nghỉ ngơi chút. Kiểu như nấu cơm, giặt đồ, dọn nhà, trông em bé 1 lát cho mình được tách ra. Còn kiểu vừa lo em bé, vừa để ý việc nhà thì chả mấy chốc mà kiệt sức.

Mình đã kiệt sức thật, nên đến tuần thứ 3 phải gọi điện nhờ mẹ lên cứu mỗi ngày từ sáng tới chiều, bất chấp giãn cách với các chỉ thị thôi. Nhưng nhìn từ góc độ khác thì cứu người là việc cấp thiết mà.

Mình còn ước không phải nghe câu “Vất vả nhưng vui nhỉ?!” vào những ngày đầu tiên ấy; ước mọi người hiểu là nếu mẹ mệt mỏi thì cũng chẳng có tâm trí thoải mái mà lo cho em bé; ước được thấu hiểu và đừng ai coi việc “ai cũng đẻ/ ai cũng làm mẹ/ việc này đơn giản mà/ làm mẹ thì phải thế etc.” là một điều đương nhiên vì không có gì đương nhiên ở đây hết.

Miffy
Dù khá stress nhưng em thỉnh thoảng tấu hài cho mẹ cũng tạm…

Mình chưa từng nghĩ sẽ bị rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh, nhưng 2 tuần này có lẽ cũng đã ngấp nghé ở đoạn nào rồi. Có nhiều diễn biến tâm lý khác đã và đang diễn ra, nhưng có lẽ đây là những điểm nổi bật nhất có thể chia sẻ.

Sẽ có người trải qua giai đoạn này nhẹ nhàng hơn mình (hoặc không), nhưng dù thế nào đi nữa đó cũng sẽ là những tháng ngày đầy ắp trải nghiệm và cảm xúc khó quên.

Từ thay đổi tâm lý sau sinh cũng sẽ dẫn tới thay đổi về hành động, lịch sinh hoạt và sức khỏe của mình. Bài này đã dài, những điều đó lại xin để dành cho phần tiếp theo của một tấm chiếu mới làm mẹ.

Facebook Comments

You Might Also Like

No Comments

Leave a Reply