Kinh nghiệm du lịch Copenhagen của mình không phải trong thời gian quá lâu, chỉ khoảng 3 ngày, trong đó có 1 ngày qua Lund và Malmo ở Thuỵ Điển, nhưng mình nghĩ sẽ có khá nhiều bạn cũng không có quá nhiều thời gian để “hop-on” thành phố xinh đẹp này, nên mình hy vọng những chia sẻ sẽ có ích để mọi người có thể tiết kiệm được thời gian nhiều nhất nhé!
1.Đi lại ở Copenhagen
Giống như các thành phố phát triển khác ở châu Âu, hệ thống metro và bus ở Copenhagen khá dễ tìm và định hướng. Ngay khi ra khỏi sân bay, bạn có thể tìm hướng theo biển chỉ dẫn để tới metro về thành phố, trước đó sẽ có một dãy các máy bán vé tự động để bạn có thể lựa chọn vé phù hợp với lịch trình.
Vì là một đứa thích đi chơi và khám phá theo cảm hứng nên mình sẽ không bao giờ mua những vé bao gồm tất-cả-mọi-thứ (đi lại và giảm giá bảo tàng) như Copenhagen Card, Amsterdam Card, *city* Card cả vì chắc chắn mình sẽ đi bộ nhiều và không có thời gian vào hết các bảo tàng được ghi trong đó.
Bạn nào làm Marketing sẽ hiểu việc đưa ra 1 danh sách thật dài các lợi ích là một chiến thuật khá hiệu quả khi bán hàng.
Quay trở lại, có một số loại vé bạn có thể cân nhắc như sau:
STT | Loại vé | Đặc điểm nổi bật | Giá vé |
1 | Vé dùng 1 lần (single trip ticket) | Chỉ đi lại trong 2 zone (cơ bản đủ nếu chỉ đi trong trung tâm thành phố) | DKK 24 (~$3.74) |
2 | City Pass |
|
– DKK 80 (~$12.48) – 24h
– DKK 150 (~$23.7) – 48h |
3 | 24hrs in all zones | Đi lại tất cả các zone, phù hợp với bạn nào định đi ra các tỉnh thành phố xung quanh như Roskilde, Elsinore hoặc khu North Sealand | DKK 150 (~$23.7) |
Sau khi cân nhắc với lịch trình, mình quyết định mua 2 vé City Pass 24hrs (thay vì 1 vé 48h) vì:
- Dùng vé vào 24h đầu và 24h cuối của lịch trình sẽ tận dụng được chiều đến/đi sân bay
- Sẽ có nhiều thời gian ở giữa đi bộ tham quan thành phố nên nhu cầu sử dụng xe cộng cộng không nhiều. Nếu lúc cần dùng mà vé hết hạn có thể mua vé lẻ sẽ tiết kiệm hơn (để có thể tận dụng được lợi thế này thì nhà host cần ở gần trung tâm tiện đi lại).
***Chú ý:
- Đan Mạch có chính sách giảm giá vé khá nhiều cho trẻ em dưới 16 tuổi, vì vậy khi chọn mua vé nếu gia đình có nhu cầu mọi người nhớ để ý.
Ngoài ra, Copenhagen tuy là một thành phố năng động và hiện đại nhưng chính phủ luôn khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện xanh bảo vệ môi trường như xe đạp, vì vậy nếu bạn muốn thì thuê 1 chiếc xe đạp để khám phá thành phố xinh đẹp này cũng không hề tệ.
Yaaassss, vậy là hành trình mua vé, lấy bản đồ, xác định đường về nhà host đã xong, chúng mình quyết định bắt đầu chuyến hành trình khám phá miền đất mới này.
2.Kinh nghiệm du lịch Copenhagen
Nghỉ ngơi 1 lúc sau khi về phòng Airbnb, đánh dấu các địa điểm cần đi, chúng mình lên đường. Con đường vào trung tâm Copenhagen không quá khó để tìm. Vẫn là khu trung tâm náo nhiệt với các cửa hàng xếp thành dãy. Những khu phố đi bộ xinh đẹp, sạch sẽ, cái kiến trúc lịch sử và kênh rạch cổ điển của thị trấn được đặt cạnh nhau bởi cơ sở hạ tầng hiện đại.
2.1 Phu khố đi bộ Stroget
Một con phố đi bộ đẹp đến mê mẩn luôn là niềm cảm hứng không chỉ với nghệ thuật mà còn với cả du khách nữa. Là con phố đi bộ và mua sắm dài nhất châu Âu, cung đường mang tên Stroget được xem là một trong những nơi thú vị khiến du khách thập phương nào cũng muốn thử một lần. Không những là cung đường đi bộ dài nhất, Stroget còn là con đường cổ kính nhất ở thành phố với nhiều kênh rạch. Đến đây, bạn sẽ bắt gặp một châu Âu sang trọng đặt bên cạnh nét lãng mạn cổ điển đặc trưng của những năm thế kỉ 18, 19.
Do giá cả ở các nước khu vực Bắc Âu nói chung khá cao nên chủ yếu mình đi thăm thú ngắm cảnh, thứ duy nhất mua về có lẽ là chiếc vòng Pandora lần đầu tiên trong đời. Đến đây mình mới phát hiện ra quê hương của ý tưởng chiếc vòng dễ gây nghiện này bắt đầu từ đây, vậy thì chẳng có lý do gì bay nửa vòng trái đất mà không tự thưởng cho mình 1 chiếc.
Một trong những điều đọng lại với mình ở Copenhagen có lẽ chính là những chiếc vòng và charm Pandora này. Nếu coi việc có 1 chiếc vòng Pandora để đeo là 1 xu hướng, thì những chiếc charm chính là cá tính mỗi người muốn khẳng định riêng trong cả cộng đồng. Có lẽ, nếu nói vui, Pandora còn có thể là biểu trưng cho 1 thế hệ các bạn trẻ ngày nay.
2.2 Bến cảng cổ tích Nyhavn
Tiếp tục khám phá trên cung đường bộ này, bạn sẽ tới Nyhavn – một nơi chắc chắn không ai có thể bỏ qua khi tới Copenhagen. Một khu cảng đẹp như truyện cổ tích.
Nyhavn đã từng là bến đậu của các tàu thuyền lớn nhỏ khi muốn vào Copenhagen thời xưa. Cái độc đáo của nó chính là tuy mỗi ngôi nhà mang 1 màu sắc rực rỡ riêng, nhưng khi đứng cạnh nhau chúng lại tạo nên một mảng màu sống động dưới nền trời xanh một cách xuất sắc.
Mình từng đọc ở đâu đó rằng thành phố Copenhagen được xây dựng theo kiến trúc lấy cảm hứng từ Amsterdam. Tuy nhiên, với một đứa yêu Ams như mình thì mình vẫn thấy mỗi nơi có một vẻ đẹp không thể trộn lẫn.
Mặc dù Nyhavn không còn là khu cảng như ngày trước, nhưng nó vẫn luôn là một trong những khu vực thu hút cả dân địa phương khi xung quanh có khá nhiều quán bar và nhà hàng xếp sát nhau ven đường kênh. Hoặc nếu không thích vào nhà hàng, bạn hoàn toàn có thể ngồi vắt vẻo ngay sát kênh và thưởng thức những chai bia một cách thoải mái nhất.
Có 1 điều đặc biệt ở Nyhavn ít ai biết, đó chính là nơi nhà văn đại tài người Đan Mạch H. C. Andersen đã sống và làm việc. Ông viết cuốn truyện cổ tích đầu tiên tại căn nhà số 20 vào năm 1835 và mất tại căn nhà số 18. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã dành 19 năm để sống tại căn nhà số 67 dọc bến cảng.
Phải chăng cái “cổ tích” của cảnh vật đã tạo cảm hứng cho ông đến từng con chữ?!
2.3 Chợ Torvehallerne
Đi bộ tiếp theo bản đồ khoảng gần 30 phút, ngắm nghía đường phố Đan Mạch, mình tới được khu chợ Torvehallerne. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn có thể đi bằng phương tiện công cộng tới đây. Nhưng nếu bạn là người thích để ý và khám phá những điều mới lạ, mình chắc chắn sẽ có khá nhiều những vụn vặt nho nhỏ bạn muốn note lại trên quãng đường của mình.
Ở bên đó, họ có câu nói vui về Torvehallerne rằng:
It is not a supermarket – it is a super market
(“Nó không phải là một siêu thị, nó là một siêu chợ” – cách chơi chữ giữa supermarket và super market)
Quả đúng vậy, đây là một khu chợ có cả không gian trong nhà và ngoài trời. Với hơn 60 gian hàng đủ vị, từ hải sản tươi sống tới chocolate, từ các quầy gia vị đặc trưng tới những quán bar nhỏ cùng đồ ăn nhẹ, bạn sẽ chẳng thể từ chối được sự hấp dẫn này.
Thời gian mình tới gần cuối giờ chiều nên một số gian đã bắt đầu dọn để đóng cửa hàng. Sau khi tham quan khu chợ, chúng mình đã chọn ăn tại một nhà hàng cạnh đó với mỳ Ý, kết thúc bằng cốc cafe tại Espresso House ngay đối diện.
2.4 Bức tượng Nàng tiên cá
Được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích vè Nàng tiên cá của Andersen, bức tượng bằng đồng này đã trở thành một điểm tham quan du lịch từ năm 1913.
Nàng tiên cá tại Copenhagen dường như đã trở thành biểu tượng của thành phố, gia nhập cùng “hội tượng biểu trưng” như: Manneken Pis tại Brussels (Bỉ), Nữ thần tự do tại New York (Mỹ), hay bức tượng Chúa Christ the Redeemer tại Rio de Janeiro (Brazil)
Bạn có thể đọc câu chuyện của mình ở New York tại đây
Vì đã đi khá nhiều các bức tượng thành phố, mình quyết định không tới Nàng tiên cá. Nhìn ảnh trên google có thể đẹp vì chụp tượng cận cảnh, nhưng mình chắc chắn khi đến sẽ có khá đông du khách xung quanh nên lại chẳng thú vị nữa.
3. Một số nhà hàng phải tới ở Copenhaghen
3.1 Sankt Peders Bageri
Địa chỉ: Sankt Pedersstræde 29, Copenhagen
Có một món khá đặc trưng ở Đan Mạch và Thuỵ Điển là bánh quế (cinamon rolls). Quán ở gần khu trung tâm nên khá dễ để tìm ra nó với mảng tường vàng nổi bật trên dãy phố.
Không phải là một tiệm bánh quá lớn, Sankt Peders nhỏ xinh ấm cúng và thơm sực mùi bánh. Bước chân vào cửa, bạn sẽ thấy ngào ngạt mùi bánh mới nướng quyện bơ sữa và mùi quế ấm nồng.
Ngoài bánh quế ra tiệm cũng có 1 số loại bánh khác như bánh tart, bánh sừng bò, muffin và sandwich. Tuy nhiên khi mình ngồi ăn trong quán thì thấy khách tới mua bánh để mang đi rất nhiều, và hầu hết chỉ chọn bánh quế như một điều hiển nhiên khi tới đây.
Bánh quế đậm vị, vỏ giòn tan, mỗi vòng là một lớp bơ và quế quyện vào nhau
3.2 Nhà hàng Sopromenaden
Địa chỉ: Sortedam Dossering 103, 2100 Copenhagen
Được chị Lalita chỉ cho nhà hàng này, ngày cuối cùng mình đã qua ăn bữa cuối trước khi tạm biệt Copenhagen. Đây là quán ăn ngay sát hồ nên nếu có bàn cạnh cửa kính để ngắm trời đất bên ngoài thì cực kỳ thích luôn.
Ở Đan mạch còn có 1 món khá phổ biến nữa là Smørrebrød, hay trong tiếng Anh là Open sandwich (bánh mỳ mở). Nếu mình thường bạn ăn bánh mỳ gối cần phải có 2 lát bánh kẹp với nhau và nhân ở giữa thì cách làm ở đây chỉ có 1 lát bánh ở dưới và nhân bên trên. Bạn có thể tìm thấy món bánh này ở khá nhiều nơi, từ những khu chợ như Torvehallerne, các quán ăn nhỏ hay trong nhà hàng. Lần này mình gọi ở Sopromenaden và uống chút bia tươi thì thấy hợp lắm luôn.
4. Đến Copenhagen và những cái duyên thú vị
Cái ngày book phòng airbnb từ Việt Nam cho những ngày ở Copenhaghen, xem đi xem lại tới lui, cuối cùng chúng mình quyết định ở nhà của Kjeld, và đây thực sự là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong chuyến đi này.
Mỗi khi chọn airbnb, các tiêu chí mình thường đưa ra là:
- Gần trung tâm. Nếu không gần lắm thì phải gần bến tram/bus/metro
- Phòng đẹp, sạch sẽ, có gout.
- Xung quanh có nhiều tiện ích (quán ăn, cafe, siêu thị etc.)
- Người host phải là Superhost
Khi nhắn tin với Kjeld qua Airbnb, được biết lúc chúng mình đến anh không có nhà mà sẽ có chị Lalita đón. Lần mò được tới nhà qua chỉ dẫn rất dễ hiểu của Kjeld, mình bấm chuông, hít một hơi thật sâu để chuẩn bị chào người bạn mới:
- *Rengggg!!!!*
- Alo…?
- Hello, I’m Mi, your airbnb guest today.
- Ah, MI HẢ EMMMM?!
- ….WHAT…..????
Vậy đó, cả mình và anh nhà đều giật mình và bất động trong vài giây. Tại sao lại có tiếng người Việt ở đây??? Ơ người Việt!!!!! Ơ vậy là chị Lalita là người Việt!!!!
Chị Lalita xuống cửa đón chúng mình lên nhà. Đó là một trong những ngôi nhà cổ kiểu chung cư được xây vài trăm năm trước đây cho người dân ở Copenhagen, có thể 1-2 gia đình/tầng, nhà chị Lalita tầng 5 trên cùng và rộng thực sự.
Trong lúc đi lên nhà, chị Lalita kể
Anh Mập (tên thân mật của Kjeld) lúc thấy bọn em là người Việt book phòng anh ý mừng lắm. Nhưng anh ý nói với chị là đừng nói có người Việt ở đây để bọn em qua bất ngờ!
Mình vẫn không thôi ngạc nhiên cho đến khi vào phòng mình, nhìn thấy những đồ trang trí và ga giường là hoạ tiết thổ cẩm của người Sapa, cảm giác cực kỳ gần gũi và thân quen. Chị Lalita chỉ cho rất nhiều địa điểm và cách đi lại xung quanh khiến chúng mình cảm thấy mọi thứ sao suôn sẻ quá.
Có một tối về nhà mình gặp Kjeld và chị Lalita vừa ăn tối xong, thế là lại ngồi nói chuyện với nhau lâu phết. Chị Lalita người Đà Nẵng, trước bán đồ thổ cẩm tại Sài Gòn và còn nhận ra anh nhà mình từng là khách hàng trước đây nữa.
Thế giới chẳng phải quá tròn đúng không? Có bao giờ bạn nghĩ một người dưng đi qua từ cả chục năm trước, rồi một ngày gặp lại nhau ở nơi cách nửa vòng trái đất mà vẫn còn ký ức.
Nếu các bạn muốn đọc thêm thông tin của nhà anh Kjeld và chị Lalita có thể xem ở đây!
Ngoài chị Lalita ra, trong lúc mình vào cửa hàng Pandora khu trung tâm, một bạn nhân viên có ra hỗ trợ mình xem đồ. Ban đầu chúng mình nói chuyện tiếng anh, thỉnh thoảng mình quay sang nói với anh nhà tiếng Việt, rồi bạn nhân viên hỏi:
Excuse me, I’m sorry but are you Vietnamese? Because I understand what you’re saying….
Uiiiii, mình lại được 1 phen ngạc nhiên nữa. Bình thường khi ở nước ngoài, mình sẽ là đứa nghe thấy tiếng Việt ở đâu đó rồi nghĩ “Oh, đó là người Việt Nam”, chứ chưa gặp cảm giác mình nói và người khác nghe thấy và bắt chuyện như thế nào. Gia đình bạn ý qua đây từ những năm 1975, trong đợt Đan Mạch vớt được 1 tàu có khoảng 300 người Việt trên đó và đưa vào đất liền.
Vậy đấy, 2 người đầu tiên mình gặp khi đặt chân tới Copenhagen lại là người Việt Nam nên cảm thấy ở đất nước tuy lạnh về thời tiết này lại có sự ấm áp vô cùng.
—
Kinh nghiệm du lịch Copenhagen của mình nhẹ nhàng vậy thôi. Một chuyến đi rất “Duyên” với những người thú vị, vì những chuyến đi sau của mình đâu có gặp được ai như thế. Thỉnh thoảng vẫn nhớ mùi bánh quế thơm nồng lảng vảng đâu đó. Đôi lúc vẫn nhớ những khi đi bộ co mình lại dưới trời gió Bắc Âu. Và cái không khí nhẹ nhàng gợi vấn vương khi người ta muốn rời đi :).
Tạm biệt Copenhagen, bài sau sẽ là 1 ngày day trip của mình tới Lund và Malmo, Thuỵ Điển trong quyết định 10 phút chóng vánh…
No Comments