All for Joomla All for Webmasters

Chị Thuỷ

Mọi người hay gọi chị là Nữ hoàng khởi nghiệp, Trương Thanh Thuỷ, Thuỷ Muối hay rất nhiều tên mỹ miều khác. Còn với tôi, tôi chỉ gọi chị là “chị Thuỷ”.

Em sẽ làm gì khi nghe tin chị mất?

Đó là 1 trong những câu hỏi chị Thuỷ hỏi phỏng vấn tôi vào vị trí Trưởng ban Vận hành của SCI đầu năm 2018.

Em nghĩ em sẽ làm 3 điều: đầu tiên em sẽ liên hệ với gia đình chị để xác nhận thông tin và chia buồn cùng mọi người. Sau đó thông báo với các bạn trong SCI, trấn an các bạn và nhấn mạnh việc SCI vẫn sẽ tiếp tục hoạt động vì sứ mệnh và giá trị của nó. Cuối cùng là xử lý các vấn đề liên quan tới truyền thông.

Và thực sự tôi đã làm như thế sau 2 năm.

Những ngày Tết 2020

Sáng mùng 1 Tết, theo thông lệ tôi đi chùa cùng gia đình, năm nay cầu bình an và bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn thì ngay buổi chiều tôi đã nhận được thử thách đầu tiên của năm mới: tin chị ra đi.

  • Em có ổn không?

  • Em không ổn. 

Câu hỏi và trả lời ngắt đoạn của người báo tin. Giữa cái gió lạnh buốt của chiều mùng 1 tại Hà Nội lúc ấy, tai tôi như ù đi, đầu óc trống rỗng. Tôi cần 1 manh mối chỉ dẫn…

Khi nào chị mất chị muốn em sẽ public lá thư chị đã viết sẵn

Nhưng lá thư đó đâu? Chị đã kịp viết chưa? Tôi không biết. 

5 ngày ở Mỹ thăm chị và gia đình tháng trước, ngủ cùng, ăn cùng, masage cho chị, đưa chị đi dạo và mỗi khi chứng kiến chị đau khiến tôi thắt lại. Tôi và chị Thuỷ đã cùng nhau bàn để chuẩn bị cho tình huống này vài lần, nhưng bạn biết đấy, đôi khi mình nghĩ mình có thể kiểm soát mọi việc cho tới khi nó diễn ra, và trong một giây phút đó tôi thấy mình trống rỗng.

Chị muốn SCI sẽ làm một buổi tưởng niệm nhỏ để bạn bè chị có thể tới chào. Chị muốn SCI và Forbes VN sẽ là nơi đưa tin đầu tiên về chị chứ không phải sự cóp nhặt của các báo với thông tin họ nghe được đâu đó. Đừng ai qua nhà chị bên này, không ai tiếp đâu. Chị cũng không muốn nhận tiền gì cả, số tiền bảo hiểm của chị sẽ dành cho SCI, nếu mọi người muốn gửi chị thì hãy tặng cho SCI…

Tôi cố gắng làm tất cả những gì có thể với những thông tin đó. Vì gia đình chưa chọn được ngày đưa chị giữa thời điểm nhạy cảm lúc ấy, tôi cũng không báo cho ai mà muốn tôn trọng ý kiến từ gia đình trước.

Sang ngày thứ 2, chẳng biết tin đã lan ra từ đâu nhưng 1 người, 2 người, rồi rất nhiều người, cả báo chí inbox, gọi điện hỏi tôi thông tin về chị. Một vài post online, ai cũng hoang mang, tới chính tôi cũng hoang mang. Trả lời 1 người, 2 người, rồi tới lúc tôi như con robot soạn cả tin nhắn trả lời mẫu gửi cho tất cả những ai gọi “Mi ơi!…”. Có những anh chị, bạn bè chia sẻ và thông cảm dặn:

Nếu em/Mi hay SCI cần gì cứ nói!

đó là liều thuốc tinh thần tốt nhất khi ấy giúp tôi tiếp tục.

Tôi chia sẻ thông tin với các bạn trong SCI vì các bạn cần được nghe thông tin chính thức từ tôi hơn bất kỳ ai và tôi biết các bạn cũng sẽ bị hỏi nhiều. Thành – người bạn cùng sát cánh với tôi trong ban điều hành SCI 2 năm qua tại HCM bắt đầu tìm những nơi có thể làm buổi lễ tưởng niệm.

Mỗi ngày đều đặn 1-2 cuộc điện thoại qua Mỹ cập nhật tình hình. Thông cáo báo chí cũng đã xong, tôi đọc đi đọc lại chỉ sợ mình sót điều gì. Tôi cũng không nhớ Tết năm nay có sự kiện nào khác. Mùng 4 Tết SCI đưa thông báo chính thức. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi, tôi tự nhủ với chính mình.

Nhìn lại một chặng đường

Mọi điều xảy xa và mỗi người ta gặp trong cuộc đời này tôi tin đều là một cái duyên. Mỗi dấu chân trên bãi cát để lại nông hay sâu còn tuỳ theo họ đã ở đó lâu thế nào.

Hôm đầu tiên phỏng vấn với chị Thuỷ, chị bảo “Ơ hoá ra em làm chỗ anh Hùng Đinh ah?”, và ngay hôm sau chị gọi cho sếp hiện tại của tôi lúc đó bảo là “Anh ơi, Mi đang apply qua chỗ em đó…”.

Tôi tin rằng, khi bạn đang tìm một công việc mới thì không đời nào muốn tin tới tai sếp khi mọi chuyện còn chưa ngã ngũ. Sau vài hôm sếp đã gọi vào phòng và tâm sự khá lâu về những quyết định của tôi, tất nhiên tôi vẫn ra đi vì luôn có một động lực hoạt động xã hội thôi thúc cái tuổi trẻ ấy.

Đã không biết bao nhiêu lần tôi trả lời câu hỏi như:“Mi với chị Thuỷ là họ hàng ah? Sao em lại làm SCI?” etc. Tôi nghĩ mình tới với chị Thuỷ và SCI là một cái duyên, cái duyên kéo theo nhiều mối quan hệ và cái duyên khác.

Mi ơi, làm cái này đi

Mi ơi em có đó không chị gọi nhé?

và hàng loạt các “Mi ơi…” khác đến nỗi có hôm tôi nhắn lại:“Em biết chị có 1000 ý tưởng hàng ngày nhưng làm gì thì cũng từ từ chút nha để em tính làm dần :))”, nhưng sau đó lại tiếp tục bàn với chị về các dự án hay kế hoạch tiếp theo.

Tôi tin ai từng tiếp xúc với chị Thuỷ đều bị ảnh hưởng bởi nguồn năng lượng tích cực và tràn đầy của chị. Tôi chẳng ghi lại câu quote nào của chị như các báo đăng, bởi lẽ những câu nói rồi sẽ bị lãng quên, nhưng cái cảm giác ai đó mang lại cho bạn nếu đủ ảnh hưởng thì nó sẽ còn mãi. Điều tôi học được nhiều nhất, có lẽ là tinh thần “Phải làm mới biết được! Nếu người ta từ chối thì đó cũng là câu trả lời, còn hơn ngồi phán đoán xem có được hay không.”

Số lần chúng tôi gặp nhau không quá nhiều, từ sự kiện flashmob của SCI tháng 2/2018 tại HCM, chuyến đi Phan Thiết, hội thảo The Economist ở Indo, diễn đàn SCI tại Đà Nẵng, các cuộc họp tại Hà Nội và những ngày tại LA. Tôi chưa bao giờ gặp một người tại nhiều nơi như vậy, tất cả giờ trở thành những kỷ niệm đẹp.

Tôi rất sợ cái cảm giác thân thuộc với ai đó và bỗng dưng một ngày họ biến mất hoặc trở nên xa lạ. Bởi vậy, với nhiều mối quan hệ, tôi luôn giữ một khoảng cách nhất định để bảo vệ chính mình.

Tôi và chị không tâm sự với nhau quá nhiều về chuyện cá nhân như những người bạn thân thiết, tôi cũng hiếm khi hỏi về chuyện tình cảm của chị, mà hầu như là về công việc, hoặc là về mỗi người chúng tôi đang cảm thấy thế nào, nhìn nhận ra sao về điều gì đó lúc ấy. Quan trọng là, tôi và chị hiểu rằng bên kia đang ổn, đang sẵn sàng cho thử thách mới, hay đang cần khoảng thời gian riêng cho chính mình.

Từ tháng 4/2019, tôi nhắn:“Chị ơi, có thể năm sau em sẽ không tham gia vận hành SCI như bây giờ nữa. Em sẽ chuẩn bị mọi việc để SCI sẽ tiếp tục hoạt động bền vững rồi mới đi.” Ai cũng sẽ có những ưu tiên trong từng giai đoạn nhất định của cuộc sống, và đôi khi tôi cũng buộc phải lựa chọn.

Rồi kế hoạch xây team, tuyển người của tôi với chị được thực hiện dần, chuẩn bị cho việc xây dựng các thế hệ tiếp theo của SCI, chỉ có như vậy dự án mới bền vững. Cho tới lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau, chị bảo “Em vẫn cứ làm người đại diện pháp lý của SCI nhé”. Đó là điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

Tôi chưa bao giờ quan tâm tới cái title “CEO” khi làm SCI, ban đầu vị trí chỉ là Operation Manager và tôi sẵn sàng học hỏi mọi thứ. Tôi thậm chí còn không biết mình trở thành CEO cho tới khi chị gửi email cho đối tác và giới thiệu như vậy. Cả chị và tôi đều đồng ý với nhau, cái title không quan trọng bằng việc mình thực sự cống hiến được bao nhiêu cho cộng đồng, dự án mà mình đang làm.

Hành trình không dở dang

Thời gian qua thỉnh thoảng tôi lại được nghe những thông tin rất không đúng về SCI, về những gì chúng tôi định làm với chị nói riêng và dự án nói chung. Đến mức tôi đã phải phát đi thông điệp “Nếu không phải chính tôi hay fanpage của SCI đưa thông tin thì không ai có quyền đại diện cho dự án hay mang tên SCI để nói về vấn đề này cả.”

Thời gian này nhà nhà chống dịch, cả thế giới gồng mình với thách thức lịch sử, buổi tưởng niệm của chị tôi quyết định sẽ tạm hoãn lại. Một khoảng thời gian trang trọng trong sự kiện của SCI sau này cũng sẽ không làm giảm đi ý nghĩa của nó.

Theo kế hoạch, SCI đã có CEO mới, tôi tin người tiếp theo sẽ có thể tiếp tục viết lên câu chuyện của dự án vì chính những giá trị nó đang mang lại cho cộng đồng, và vì trái tim của những thành viên đang hoạt động. Tôi vẫn sẽ đồng hành cùng SCI, thay chị Thuỷ, tại một vị trí khác.

Chặng đường chúng tôi đồng hành không quá dài, nhưng ít nhất đã cùng nhau đặt bút viết một câu chuyện nhỏ làm đẹp cho đời…

Facebook Comments

You Might Also Like

No Comments

Leave a Reply