All for Joomla All for Webmasters

Nước Mỹ (P3.1): Bao nhiêu cho đủ New York?!

Tôi đã chần chừ mãi trước khi quyết định viết note này cho đến khi hôm qua nhìn thấy tựa sách “Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ” của Dương Thụy, rồi làm nhớ lại “Anh có thích nước Mỹ không” nhạt nhẽo của tác giả nào đó, cả “Nước Mỹ nước Mỹ” của Phan Việt. Tôi tự hỏi liệu “nước Mỹ” có gì hấp dẫn đến thế? và New York- cái thành phố tập nập vừa lạ mà quen ấy liệu tôi có thấy đủ hay chưa?…

Ấn tượng đầu tiên khi đáp xuống JFK là dòng người dài thật dài xếp hàng. Không cần cầu kỳ đẹp đẽ lung linh, JFK có lẽ nổi tiếng bởi đó là cửa ngõ cho những “giấc mơ Mỹ” bắt đầu.

3 tháng nghiên cứu ở Philippines– đất nước chịu sự ảnh hưởng văn hóa mạnh của Mỹ khiến tôi thấy quận Queens mang vẻ châu Á quen thuộc đến ngỡ ngàng, thậm chí phải quay sang nói với ông anh bên cạnh “Ê này, sao em thấy giống Philippines quá thế…?”.

Từ những sạp ăn nhỏ bán lạc rang, tapas, hot dog vỉa hè… đến những cửa hàng mặt đường biển hiệu xộc xệch, chữ Tàu chữ Ả Rập đan xen buôn bán đủ thứ (điều mà tôi chưa từng hoặc hiếm khi thấy ở châu Âu).

IMG_0860

View from Roosevelt Island Tramway

Chuyến đi này tôi ở nhà anh chị tại Roosevelt, một dải đảo nhỏ nằm giữa Manhattan nhộn nhịp và quận Queens đậm chất Á- Phi. Nếu ai đến đây đừng quên đi thử chuyến tram đặc biệt trên không từ Roosevelt Islands tới Manhattan. Chỉ vài phút thôi bạn sẽ được nhấc bổng lên và trước mắt sẽ là những khác biệt đầu tiên dẫn tới hình ảnh của những tòa chọc trời cao vút.

IMG_0080

Một khi đã vào đến Manhattan thì rất khó bị lạc. Các đường phố cắt ngang dọc như phố cổ Hà Nội được nhân lên gấp nhiều lần. Đại lộ (Avenue) mang số 1 đến số 12 chạy dọc từ Bắc xuống Nam, và đường (Street) mang số từ 1 đến 234 chạy ngang từ Đông sang Tây. Đại lộ số 5 (Fifth Ave) nằm giữa, chia đảo ra làm hai phía Đông và  Tây. Muốn tìm địa chỉ chỉ cần hỏi số nhà, ở góc đường nào, Đông hay Tây là đi đến dễ dàng.

Này cô bé, có mua gì cho chú không?

Tôi giật mình quay lại trước một giọng nói tiếng Việt ở khu phố Tàu. Thực ra trước nay 99% bạn bè nước ngoài không ai thấy tôi giống người Việt cả nên tôi bật cười chào lại. Để ý kỹ một chút sẽ nhận ra không chỉ có 1, mà rất nhiều người Trung Quốc, người Việt đang sinh sống và làm việc trong các khu chợ hay sạp hàng nhỏ nơi đây.

Lại một lần nữa tôi thấy mình đang ở một nơi lạ mà quen, lại các biển hiệu tiếng Trung tiếng Việt đan xen, đồ ăn uống gia vị gì cũng có. Tôi mua $8 rau xanh được chú khuyến mại cho vài thứ nữa, kể rằng gia đình chẳng còn ai ở Việt Nam,

ở đây chú chẳng đi đâu cả, hàng ngày ra bán rau mới có tiền mà ăn rồi nuôi các con chứ, nhưng thế là vui rồi…

This slideshow requires JavaScript.

Nếu ai là một fan của nghệ thuật sẽ chẳng nên bỏ lỡ Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Metropolitan Museum of Art- The MET)- một trong những viện mỹ thuật lớn nhất thế giới trên Fifth Ave. Tại đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bộ sưu tập mà giá trị thẩm mỹ đã được khẳng định qua các nền văn minh cổ đại của Hi Lạp, La Mã, đến những tác phẩm của các nghệ sĩ bậc thầy châu Âu, cả một kho tàng nghệ thuật đến từ Ai Cập, châu Phi, châu Á, châu Đại Dương, Trung Đông, Hồi giáo…

IMG_1473

Metropolitan Museum of Art and the NYC’s signature yellow taxis

Đi tiếp nữa sẽ đến Bảo tàng nghệ thuật đương đại MOMA (Museum of Modern Art) nằm giữa đại lộ 5 và 6. Hàng năm có hàng ngàn người đến NYC chỉ để tới MOMA với những tác phẩm sáng tạo vượt thời gian và không gian. Theo thống kê, MOMA có tới khoảng 150.000 họa phẩm và điêu khắc, đây cũng được cho là viện bảo tàng có nhiều tác phẩm hiện đại nhất thế giới. Điều thú vị là có những tác phẩm dù đã trải qua mấy thập niên nhưng tinh thần của nó vẫn mới, có khi mới đến kỳ cục. Trước khi kết thúc hành trình ở MOMA, hãy ghé qua MOMA store để tận tay cảm nhận những tặng phẩm nghệ thuật sáng tạo, từ cái bút, cái cốc, đồ vật trong bếp… đến mô hình thu nhỏ của tác phẩm gốc. Rồi nhìn cái gì cũng sẽ muốn mua, để làm kỷ niệm hay để tặng cũng đều ấn tượng.

This slideshow requires JavaScript.

Nếu có kế hoạch đi bảo tàng ở NYC, đừng quên check link này để xem danh sách các bảo tàng được miễn phí vé vào cửa mỗi ngày. Nhưng cũng nên đến sớm vì đây sẽ là những ngày khá đông, phải xếp hàng (nhưng bảo tàng rộng nên cũng không bị cảm giác chen chúc nhiều). Ngày tôi đi MOMA là chiều thứ 6, vào cửa miễn phí từ 16h, 16h20 tôi có mặt và dòng người cũng bao quanh được gần 1 block nhà rồi. Nhưng everything has its price.

Not my photo but you can see how amazing it is in the center of the city :)

Not my photo but you can see how amazing it is in the center of the city 🙂

Vẫn nhớ những ngày ở Việt Nam mỗi lần ra Đinh Lễ là lại tốn tiền mua sách, một trong những nhà văn tôi sưu tầm đủ bộ nhất là Guillaume Musso. “Central Park” không phải là cuốn hay nhất, nhưng lại là cuốn vương lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất khi đứng trước Central Park. Lọt thỏm giữa những khối bê tông chọc trời là xanh mướt và mát rượi của những hàng cây thảm cỏ trong công viên. Không biết có ai có sở thích “people watching” (ngắm người) như tôi không, nhưng đôi khi chỉ cần gọi một cốc Iced Caramel Macchiato hay Matcha Greentea, chọn cho mình một chiếc ghế đá có tầm nhìn ưng ý, thì dù là Dam Square ở Amsterdam hay Central Park ở NYC, tiếng cười nói hòa cùng thiên nhiên và cảnh vật đều mang cho tôi cảm giác về một sức sống nhộn nhịp đến yên bình…

Lang thang trên những đại lộ ngang dọc sầm uất trong Manhatt, tôi cảm thấy mình như bị nuốt chửng không chỉ bởi những ô cửa kính phản chiếu ánh mặt trời sáng loáng chồng chất lên nhau, mà còn bởi dòng người tấp nập vội vã trên từng bước chuyển động. Điều thú vị ở NYC là tất cả các cao ốc trong thành phố đều phải dành ra tầng 1 để làm dịch vụ công cộng phục vụ người dân.

Có mấy ai xem phim Mỹ mà chưa từng nghe tới biểu tượng của sự giàu có tại Fifth Avenue– đại lộ lớn nhất thế giới (theo sau là Champs Elysees ở Paris và Ginza ở Tokyo) hay khu phố thời trang Madison Ave nổi tiếng với dày đặc các cửa hàng, cửa hiệu sang trọng và xa xỉ bậc nhất.

Có mấy ai xem Ocean’s Eleven hay King Kong mà quên những thước quay tại Herald Square, nơi có một trong những trung tâm thương mai lớn nhất thế giới Macy’s (mặc dù đã đến rất nhiều lần nhưng thú thực tôi vẫn không thể đi hết Macy’s).

Rồi khi nhắc đến New York, chẳng ai bảo ai thì cái tên Time Squarequảng trường Thời Đại, “giao lộ của thế giới” hẳn là một địa điểm must-see của hàng triệu triệu người. Hãy đến đây vào buổi tối nhé, bởi khi thành phố lên đèn, Time Square và con đường dẫn đến quảng trường rực rỡ và sôi động như đang nắm giữ một nguồn năng lượng thời gian bất tử.

This slideshow requires JavaScript.

Một note có lẽ chẳng thể đủ cho New York. Lần sau tôi sẽ cùng các bạn vào trong trụ sở Liên Hợp Quốc, ghé qua chào Nữ thần Tự do, ngắm thành phố từ những nóc nhà chọc trời, phóng mình ra khu biển cắm trại cuối tuần, nếu còn thời gian thì qua vài quán ăn ngon đã được note lại nhé.

Rồi khi dừng chân lại, hy vọng tôi sẽ có câu trả lời cho những băn khoăn của riêng mình: “Nước Mỹ có gì hấp dẫn đến thế?!”

Phần tiếp theo của Nước Mỹ (P3.2): Bao nhiêu cho đủ New York?! bạn có thể đọc tại đây!

Facebook Comments

You Might Also Like

No Comments

Leave a Reply