All for Joomla All for Webmasters

Xin visa du lịch vs Làm thẻ tín dụng

Gần đây mình thấy rất nhiều thông tin với tiêu đề là “Kinh nghiệm xin visa du lịch tại XYZ”, nhưng nhiều bạn đọc xong vẫn thấy comment là làm theo nhưng không xin được visa. Sau khá nhiều lần làm visa các nơi (may quá chưa trượt bao giờ), và thấy bạn bè mình cũng làm nhưng có người trượt người đỗ, mình thấy quá trình xin visa dễ hay khó gần giống như việc bạn muốn làm 1 chiếc thẻ tín dụng nên muốn chia sẻ theo 1 góc nhìn khác.

Vậy xin thị thực đi nước ngoài (visa) giống làm thẻ tín dụng ở chỗ nào? Dễ hay khó? Có phải kinh nghiệm của ai cũng giống ai không? Xin thế nào thì được visa? etc.

Bài viết này của mình sẽ chia sẻ ý kiến của mình với các câu hỏi đó nhé.

1.Xin visa du lịch (thị thực) và thẻ tín dụng giống nhau ở chỗ nào?

1.1 Chuẩn bị hồ sơ

Khi chuẩn bị hồ sơ làm thẻ tín dụng, bạn phải xem trên website của ngân hàng hoặc hỏi nhân viên tư vấn xem cần chuẩn bị những gì đúng không? Vì đó là nơi có nguồn thông tin chính xác và rõ ràng nhất, mình tin là sẽ chẳng bạn nào ra đường gặp người lạ và hỏi “Ê, làm thẻ của ngân hàng A thì cần gì hả anh?”

Vậy khi chuẩn bị xin visa du lịch đi đâu cũng vậy. Nên lên thẳng website của Đại sứ quán nước mà bạn muốn xin để xem danh sách các hồ sơ là đầy đủ nhất, cần nữa thì nhấc điện thoại hỏi hotline để xin tư vấn. Mình nghĩ chưa bao giờ mình xem bộ hồ sơ của người khác để chuẩn bị cả, tất cả cứ theo website chính thống và…niềm tin vào chính mình.

Phần sau mình sẽ cho các bạn thấy việc tham khảo hồ sơ của người khác sẽ không thực sự có hiệu quả như thế nào, vì mỗi người có một mức “điểm tín dụng du lịch” khác nhau.

1.2 Chứng minh lịch sử bản thân

Khi nộp hồ sơ làm thẻ tín dụng, thường thì mọi người cần nộp một bộ hồ sơ đầy đủ, chuẩn bị từ bảng lương, tài khoản, sổ đỏ, hộ khẩu…etc., và đủ thứ khác rồi chờ được xét hồ sơ chứ hầu như không qua phỏng vấn. Có những loại thẻ tín dụng hạn mức thấp chẳng cần chứng minh nhiều (VD như hôm trước bên Mobifone có gọi mời mình làm thẻ liên kết với ngân hàng X hạn mức 15tr chỉ cần hộ khẩu + cmnd), và cũng có những loại thẻ hạn mức càng cao thì hồ sơ phải càng kỹ và tài sản càng nhiều.

Vậy cũng giống như khi làm visa du lịch, ngoài các hồ sơ cá nhân, mỗi nước sẽ có 1 quy định riêng về số tiền trong tài khoản, tài sản, có khi là thư mời, lịch trình…etc. Rõ ràng, để cơ hội xin được visa càng cao thì hồ sơ của bạn cần phải chứng minh được bạn thật trong sáng, uy tíntiềm năng. Muốn xin visa ở những nơi khó như Mỹ, Triều Tiên, Nga, Nhật Bản hay Schengen etc., hồ sơ của bạn lại càng cần đẹp và hoành tráng.

Nói tóm lại, toàn bộ các thủ tục giấy tờ cần phải thể hiện được từ lịch sử đến con người bạn một cách uy tín nhất.

1.3 “Điểm tín dụng”

Trong ngân hàng, “điểm tín dụng” là điểm số mà các tổ chức tài chính dùng để đánh giá sự uy tín của bạn khi sử dụng các hình thức cho vay của tổ chức đó. Điểm số của bạn càng cao bạn càng được đánh giá tốt và vay được càng nhiều.

Trong việc xin visa, mình tạm gọi nó là “điểm tín dụng du lịch”. Theo mình, điểm tín dụng du lịch của mỗi người có thể tính dựa trên những điều sau:

  • Quốc tịch của bạn. Hộ chiếu VN thực ra cũng có những giá trị nhất định, chỉ là không quá nhiều thôi. Nếu bạn muốn biết những nơi mà công dân Việt Nam không cần xin visa (hoặc rất dễ xin) vẫn hiên ngang đi vào thì có thể tham khảo danh sách các nước miễn visa cho Việt Nam tại bài viết này.
  • Cuốn passport của bạn. Bạn càng có nhiều dấu hoặc visa trong đó càng chứng tỏ bạn đã đi tới nhiều nơi, nhất là khi có những visa *xịn* như Schengen, Mỹ, Nhật, Anh, Úc etc. thì bạn càng có uy tín và đạt điểm cao.
  • Thân nhân của bạn. Điều này áp dụng cho những ai xin visa theo dạng thăm thân hoặc cần thư mời (mình không nói đến business trip). Người viết thư mời có thân nhân càng rõ ràng càng tốt (công việc, gia đình etc.), và càng gần với bạn càng tốt (bố, mẹ, anh, chị, em trong gia đình). Nếu người mời chỉ là bạn bè thì chưa chắc khả năng xin được visa của bạn đã cao.
  • Chính bạn. Công việc, thu nhập, tài sản, gia đình etc. Thậm chí là thần thái nếu có phải đi phỏng vấn.

2. Hồ sơ của bạn có nhất thiết phải giống người khác?

Đầy đủ hồ sơ tất nhiên là tốt, nhưng kể cả không đủ mà bạn vẫn chứng minh được bạn đủ uy tín thì vẫn ổn. Trước nay mình hay xin cho mình thôi, tự chuẩn bị hồ sơ rồi đi xin nên không có ai để so sánh. Đợt vừa rồi mình và anh nhà cùng chuẩn bị hồ sơ đi xin visa du lịch Schengen đi Hà Lan là nước đầu tiên. 2 bộ hồ sơ thực sự khác nhau 1 trời 1 vực:

  • Giống: form visa, thư mời, bảo hiểm du lịch, vé máy bay, đăng ký kết hôn. Ngoài ra:
  • Anh nhà mình không thiếu gì từ HĐLĐ, bảng lương, sổ hộ khẩu, xác nhận tài khoản ngân hàng etc. hoành tráng các kiểu.
  • Mình không có gì ngoài xác nhận tài khoản ngân hàng lèo tèo :)). Cái duy nhất mình hơn chắc là cuốn passport từng có 2 visa Hà Lan (anh nhà lần đầu) và chằng chịt visa và dấu gần kín quyển.

This slideshow requires JavaScript.

Thực ra lúc nộp xong đi về cũng sợ trượt thật vì hồ sơ không có gì, người trúng người trượt còn bi kịch hơn, nhưng mà đỗ cả 2 hihi. Lật ra thì thấy cả 2 đều đc Multiple (ra vào nhiều lần), nhưng mình được thời hạn 1 năm, ở 90 ngày; còn anh bạn thân chỉ được 2 tháng, ở 30 ngày.

Lúc đó mình bị bảo là “Chắc do em từng ở Hà Lan nên có điểm tín dụng cao hơn người lần đầu xin”, mình lật lại visa lần đầu của mình, cũng là Multiple, 1 năm ở 90 ngày. *ting ting*

Thế là anh nhà lại bảo “Anh mà còn quyển hộ chiếu cũ với visa Mỹ và 4-5 cái visa Hàn Quốc cho business trip thì đã khác…” 

Bạn mình có người đã từng có visa lần 1, nhưng lần 2 xin lại trượt. Đến lần 3, ngoài chuẩn bị hồ sơ ra bạn ý viết thêm 1 bức thư bày tỏ nguyện vọng cảm xúc mong muốn được có visa như thế nào, da diết vô cùng thế là lại được.

Mình có anh bạn có cuốn hộ chiếu trắng, lần đầu đi nước ngoài xin visa đi Mỹ, hồ sơ đầy đủ không thiếu gì mà cuối cùng vẫn không được…

3. Làm sao để có cơ hội cao mỗi lần xin visa?

Câu trả lời của mình đó là:

Hãy tìm hiểu thông tin từ nguồn chính xác và tích luỹ điểm tín dụng du lịch của bạn càng cao càng tốt.

3.1 Tìm hiểu thông tin chính xác khi xin visa du lịch

Tìm kiếm thông tin đúng ngay từ những website chính thống sẽ giúp bạn tiết kiệm cả tiền và thời gian so với đi đường vòng.

Hiện nay rất nhiều nước outsource dịch vụ visa qua bên thứ 3 (VD Schengen, UK etc. thì bạn cần qua VFS Global), tức là bạn sẽ không trực tiếp qua ĐSQ để xin nữa (cắt giảm nhân lực, đsq không phải giải quyết những trường hợp *thương lượng, hỏi han* khi không cấp visa etc.). Và khi nộp hồ sơ qua VFS, bạn đã mất 1 khoản chi phí dịch vụ không hề nhỏ rồi.

Nếu bạn muốn xem review về VFS một cách khách quan bạn có thể tham khảo ở đây.

Thử tưởng tượng mà xem, bạn hoàn toàn có thể trực tiếp hỏi sếp ký giấy cho mình, nhưng cô thư ký lại chặn cửa bắt bạn nộp tiền cho cô ý để đưa tài liệu cho sếp mà không biết có được ký hay không :)). Mỗi lần muốn đưa là 1 lần tiền nữa cơ…TT__TT

Xin visa qua VFS thường phải đúng theo thời gian quy định là 1-2 tuần. Hồi trước vẫn còn xin được trực tiếp ở sứ quán, lúc xin visa mình quên mất có lịch công tác nước ngoài vài hôm sau nên nói khó 1 tý, 2 ngày sau là mình có visa rồi.

VFS hay bên nào khác đại sứ quán uỷ quyền cũng chỉ là 1 công ty dịch vụ, chịu trách nhiệm giúp bạn gửi hồ sơ qua sứ quán chứ họ chẳng đảm bảo được là bạn có đỗ visa hay không. Có 1 số công ty du lịch nhận làm visa Schengen hay UK cho bạn thì họ cũng phải nộp qua VFS thôi, nên là bạn sẽ mất 2 lần tiền nếu không tìm hiểu kỹ trước.

Trên 1 group facebook mình tham gia hôm trước mình có thấy 1 anh post bài kiểu “Làm giàu không khó ở VN”, nói về việc các công ty du lịch nhận làm visa cho mọi người nhiều quá và kiếm tiền dễ quá, toàn lấy của những ai không biết tìm hiểu thông tin ở đâu với không tin vào bản thân mình ý. Haizzz…

3.2 Tích luỹ điểm “tín dụng du lịch” của bạn

Tích luỹ từ những con dấu đơn giản nhất, tới những nước không cần visa hoặc dễ xin visa, rồi dần dần đến những nơi cần tiêu chuẩn cao hơn.

Tích luỹ từ chính những gì bạn đã, đang làm và thể hiện mình đủ:

Trong sáng: Chưa bao giờ trong blacklist của bất cứ nước nào; nhân thân rõ ràng; chưa bao giờ có trục trặc với vấn đề xuất nhập cảnh mà bị ghi biên bản etc.

Uy tín: Mọi điều bạn nói và hồ sơ cần trung thực và chính xác; có lịch sử/xác nhận đã đi lại nhiều nơi để họ tin tưởng bạn sẽ quay về.

Tiềm năng: Sẽ làm đúng như những gì bạn trình bày (đi-về đúng ngày giờ lịch trình); hồ sơ minh bạch, chứng tỏ bạn sẽ không làm gì gây hại cho đất nước họ etc.

Thực ra còn 1 yếu tố chiếm ít phần trăm nhưng quan trọng không kém, đó là sự MAY MẮN. Làm gì cũng có hên xui mà, nhất là bạn nào xin visa Mỹ mà gặp bác đang in a bad mood phỏng vấn thì có khi nguy cơ trượt lại cao…

Mình hy vọng mọi người sẽ có thêm nhiều góc nhìn hơn về việc xin visa du lịch khi muốn đi đâu đó. Nó không còn là câu hỏi “Xin visa đi nước XYZ thì dễ hay khó?” nữa rồi, vì dễ thì rất dễ mà khó thì cũng rất khó :).

Chúc mọi người có sự chuẩn bị tốt nhất trước mỗi chuyến bay nhé!!!

Chuyến đi sắp tới sẽ vừa lạ mà vừa quen, sẽ có những trải nghiệm mới nhưng cũng sẽ là thời gian ôn lại kỷ niệm ở các thành phố chẳng còn xa lạ.

Chuyến đi sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều điều để viết, mình nghĩ sẽ là những câu chuyện nhiều hơn là hướng dẫn đi đâu ăn gì hết bao nhiêu.

Chuyến đi sắp tới sẽ là bạn bè và những cái duyên mới, và nhiều nhiều bất ngờ đang chờ. Vậy thì cứ đi thôi, đi để thấy mình còn quá tham lam với cuộc sống này :)!

Facebook Comments

You Might Also Like

No Comments

Leave a Reply