Tôi sẽ không sao quên được cái cảm giác tò mò, hào hứng, phấn khích xen lẫn những hồi hộp khi con bé 5 tuổi bị ù tai trong lần đầu tiên được lên máy bay 18 năm về trước. Rồi dần dần, đã từ lúc nào tôi chẳng còn đếm được những chuyến bay mình đã bước chân lên, những tình huống bay đã gặp hay những con người ghế-bên-cạnh. Nhưng trong chuyến đi vừa rồi có 3 câu chuyện trên 3 chặng bay mà tôi hẳn sẽ rất nhớ.
Nếu Ấn Độ là nơi khiến tôi mất nhiều thời gian nhất để vượt qua các vòng kiểm tra an ninh nhất (khoảng 4 tiếng), thì chặng Amsterdam- JFK sẽ được xếp thứ hai. Xếp hàng ngay trước tôi là một nhóm người da màu gồm 6-7 đứa trẻ con, 1 em bé sơ sinh, khoảng 3 chị phụ nữ mỏi mệt và không có người đàn ông nào. Thay vì hộ chiếu và boarding pass, tôi thấy họ mang theo một số giấy tờ khá đặc biệt và được xét duyệt lâu hơn bình thường. Đứa trẻ nào cũng nheo nhóc, ăn mặc xộc xệch và nhìn tôi bằng ánh mắt sâu hoắm. Thỉnh thoảng chúng nói với nhau 1 câu, còn lại lặng lẽ quan sát, cố rướn mắt lên nhìn cô nhân viên đóng dấu, rồi lại nhìn nhau. Qua rồi, đi thôi. Tất nhiên giữa chúng tôi chẳng có đoạn hội thoại nào cả, chứng kiến toàn bộ cảnh tượng ấy, chỉ là tôi tự hỏi liệu họ đã phải đánh đổi những gì để có mặt trong chuyến bay ngày hôm đó? Nước Mỹ có gì hấp dẫn thế để những ánh mắt ấy vẫn đang ám ảnh tôi? Và liệu mảnh đất nơi họ sắp đến có chào đón họ như kỳ vọng không?
Khi máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Newark từ Denver, cô tiếp viên trưởng thông báo “Hôm nay là ngày rất đặc biệt của một vị khách trên chuyến bay này. Đó là ngày sinh nhật lần thứ 75 của bà A., đến từ bang (B), và các con bà ấy đang đưa bà đến NYC lần đầu tiên trong đời…” Tất cả hành khách đều hát Happy Birthday, cô tiếp viên thay vì tặng bánh thì đan các miếng sticker biểu tượng của hãng hàng không lại thành một chiếc vòng cổ cho bà. Mặc dù trước đó bị delay 4 tiếng nhưng hành động này thực sự khiến tôi có thiện cảm với đoàn bay rất nhiều. Tôi chợt nhớ có ai đó đã nói rằng 50% người Mỹ không có hộ chiếu vì họ cho rằng có khi cả đời đi du lịch trong nước thôi cũng quá đủ rồi. Lại một lần nữa, không chỉ những người tò mò như tôi, như bạn, mà có khi nào với cả nhiều người Mỹ, New York thực sự là nơi cần phải đặt chân đến một lần trong đời?!
Tôi kết thúc hành trình nước Mỹ của mình bằng chuyến bay JFK- Amsterdam, và đó cũng là chuyến bay cuối cùng của cơ trưởng Semé. Hơn 40 năm tận tụy điều khiển những con chim sắt khổng lồ, mang hàng triệu con người tới những vùng đất mới hay quay trở về với gia đình thân thương an toàn, đó hẳn là những gì một cơ trưởng sẽ tự hào lắm. Qua những ngày ở Boise, tiếp xúc với nhiều cựu phi công, tôi biết niềm say mê với bầu trời của họ lớn vô cùng. Cái cảm giác ngồi lái máy bay và được ngắm chân trời mỗi ngày khiến họ thấy phiêu lưu nhưng cũng đầy ánh sáng. Đọc những dòng hành khách viết cho Semé trong cuốn sổ, tôi cũng đặt bút:
“Gửi Seme,
Tuy chúng ta chưa từng gặp nhau, bây giờ và cả sau này cũng vậy, nhưng cảm ơn ông đã là một trong những cơ trưởng tận tụy nhất. Hy vọng sau này hàng ghế hành khách sẽ không làm ông quá buồn chán :).
Từ một cô gái Việt Nam trên chuyến bay cuối cùng của ông.”
Nhớ lại 1 năm trước khi đi du học, cũng một mình ra sân bay rồi nhìn thấy ảnh của anh bạn bay cùng ngày vừa post lên với đầy đủ gia đình bạn bè. Dường như đã quá quen với cuộc sống tự lập mà từ lúc nào tôi không còn cảm giác được có người tiễn trước mỗi chặng bay nữa. Ngày hôm ấy anh trai tiễn tôi ra sân bay và trên chuyến bay tôi bật khóc nức nở như một đứa con nít, mặc kệ bác ngồi cách 1 ghế thỉnh thoảng lại ngoái nhìn ái ngại. Không phải vì tủi thân, chỉ là trong một chốc nước mắt cứ chực trào bởi đôi khi vòng quay của cuộc sống làm người ta vấn vương nhiều quá.
Ngày trước tôi vẫn nghĩ máy bay chỉ để chở ước mơ, nhưng có lẽ nó còn chở cả những tâm hồn đang kiếm tìm một mảnh ghép mới trong cuộc đời mình. Tôi cũng đang từng ngày thu nhặt thêm các mảng màu vào bức tranh ấy, đôi khi chênh vênh giữa đam mê và hiện thực, giữa mạo hiểm và an toàn… Có mấy ai đã từng vứt bỏ mọi thứ để theo đuổi đến cùng những đam mê, vứt bỏ công việc nhàm chán mỗi ngày để chạm tay vào cuộc sống đầy hứng khởi, hay vứt bỏ sự tồn tại cô đơn vô nghĩa để chạy theo tình yêu…?!
.
Nhưng sau tất cả, chẳng phải Dory đã từng nói “There is always another way” hay sao?! 🙂
No Comments